Hiện trạng thoát nước ở các đô thị
1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Vị trí địa lý và điều kiện địa hình ảnh hưởng rất lớn đến thoát nước tự chảy của các đô thị. Nét đặc trưng của đô thị nước ta là sự phát triển gắn liền với việc khai thác và sử dụng các nguồn nước mặt (sông, biển...). Hệ thống thoát nước đô thị cũng liên quan mật thiết đến chế độ thuỷ văn của hệ thống sông, hồ. Thông thường về mặt tự nhiên, các sông, hồ thường kết với nhau thành dạng chuỗi thông qua các kênh mương thoát nước hở, tạo thành các trục tiêu thoát nước chính. Cả nước có tới 2.360 con sông với chiều dài hơn 10.000 km, trong đó có 9 hệ thống sông lớn có diện tích lưu vực trên 10.000 km2. Lưu vực dòng chảy các sông về mùa mưa rất lớn chiếm đến 70 - 90% tổng lượng nước cả năm.
Nước ta thuộc vùng khí hậu nóng ẩm: mưa nhiều, độ ẩm lớn, nhiệt độ và độ bức xạ cao. Sự phân bố không đều về lượng mưa, độ ẩm, độ bức xạ... theo không gian và thời gian sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thoát nước và chất lượng môi trường nước trong các đô thị. Mỗi năm có khoảng 8 - 10 cơn bão, gây thiệt hại trung bình 2 - 3% thu nhập quốc dân và ảnh hưởng rất lớn tới thoát nước đô thị.
Những năm gần đây, việc đầu tư vào hệ thống thoát nước đô thị được cải thiện đáng kể. Một số dự án đã và đang được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA tại các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh,... Nguồn vốn đầu tư này tuy đã lên tới tỉ USD, tuy nhiên nó cũng chỉ đáp ứng tỷ lệ nhỏ (khoảng 1/6) so với yêu cầu hiện nay.
Hầu hết các đô thị đã có qui hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020, nhưng quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng cơ sở chưa được thực thi đầy đủ, đồng bộ nhất là đối với ngành cấp thoát nước đô thị.
Các qui hoạch về môi trường, quản lý chất thải rắn, cấp thoát nước thường là các mảng nhỏ trong quy hoạch tổng thể, do vậy, chỉ có thể có các thông tin qui hoạch cơ bản. Một vấn đề khá quan trọng trong công tác qui hoạch là các tiêu chí chung để phối hợp thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng đô thị chưa được đề ra đầy đủ.